BÀN THỜ GIA TIÊN – NHỮNG ĐIỀU KHÔNG THỂ KHÔNG BIẾT
Bàn thờ gia tiên là không gian linh thiêng, giống như cửa ngõ của nhân gian và thế giới bên kia để giúp những người còn sống bày tỏ lòng thành kính, hiếu thảo với tổ tiên đã khuất đồng thời thể hiện ước vọng, mong muốn được phù hộ gặp nhiều may mắn, tốt đẹp, con cháu phát đạt, hạnh phúc.
Bạn đang xem: BÀN THỜ GIA TIÊN – NHỮNG ĐIỀU KHÔNG THỂ KHÔNG BIẾT
Từ ngàn xưa, người dân Việt ta vẫn luôn coi trọng Hiếu lễ. Chẳng thế mà cổ nhân đã đúc kết “tứ thời xuân tại thủ, bách hạnh hiếu vi tiên” (bốn mùa xuân ở đầu, trăm đức hạnh thì hiếu là trước nhất). Việc Hiếu lễ thể hiện việc cung dưỡng bố mẹ lúc tại thế và lại càng nghiêm cẩn hơn lúc họ đã khuất. “Sự tử như sự sinh” là như vậy. Sách “Luận Ngữ” có viết “sinh, sự chi dĩ lễ; Tử, táng chi dĩ lễ; Tế, chi dĩ lễ”, có nghĩa là: Khi cha mẹ sống thì theo lễ mà phụng sự cha mẹ, khi cha mẹ chết thì theo lễ mà an táng, khi cúng tế cũng phải theo đúng lễ. Còn Sách “Kinh Lễ” lại nói rõ: “Anh Vũ năng ngôn bất li phi điểu, tinh tinh năng ngôn bất li cầm thú. Kim nhân nhi vô lễ tuy năng ngôn bất diệc cầm thú chi tâm hồ. Phù duy cầm thú vô lễ cố phụ tử tụ ưu. Thị cố thánh nhân tác, vi lễ dĩ giáo nhân, sử nhân dĩ hữu lễ, tri tự biệt ư cầm thú” (có nghĩa là: Chim Anh vũ biết nói cũng không vượt khỏi loài chim, con Tinh tinh tuy biết nói nhưng cũng vẫn là loài cầm thú. Nay người mà vô lễ, tuy biết nói mà chẳng có tâm cũng như cầm thú chăng?. Phàm cầm thú vô lễ nên cha con sống thành bầy đàn tạp giao không trên dưới lễ nghĩa. Vì thế nên thánh nhân đặt ra chuẩn mực làm ra lễ để dạy người. Khiến mọi người có lễ, biết tự phân biệt mình với cầm thú). Quả thật vậy, phàm là người thì phải biết lễ và hành theo lễ vậy. “Sự tử như sự sinh”, biết là vậy nhưng hiện nay có nhiều người chưa hẳn đã hiểu thờ người đã khuất như thế nào cho đúng lễ, hay nói cách khác, xung quanh bàn thờ gia tiên, những vấn đề cơ bản, cốt lõi nhất, không phải ai cũng đủ hiểu biết để làm cho đúng, dù rằng nhiều người cho rằng, thờ cúng thì lòng hiếu kính nhớ ân thâm nghĩa trọng vẫn là chính.
Các vật thờ và cách bài trí
Quan trọng nhất của bàn thờ là bát hương.
Bát hương được ví như ngôi nhà để các cụ trong gia đình đi về vậy. Bát hương hình tròn tượng trưng cho Bàn Thái cực (theo quan niệm của Đạo giáo), có hoa văn trang trí hình song long trầu nguyệt, thường được làm phổ biến bằng gốm, đá và đồng – những chất liệu được người xưa quan niệm là có sức linh nhất định, sẽ hội tụ được sức mạnh thiêng liêng để ứng nghiệm cho những lời cầu xin. Xét về mặt phong thủy, bát hương bằng gốm sứ có nhiều ý nghĩa hơn, giúp ban thờ hài hòa hơn bởi theo thuyết âm dương ngũ hành, bát hương bằng gốm thể hiện hành thổ, khi nén hương đốt lên sẽ có cả ba yếu tố: hỏa (phần đang cháy), mộc (phần thân hương) và thổ (phần chân hương cắm trong bát hương). Mộc sinh hỏa, hỏa sinh thổ, sự chuyển hóa thể hiện ước vọng sinh sôi, phát triển. Bát hương trên bàn thờ có nhiều cách đặt và thờ khác nhau, nhưng theo cổ lễ thì bát hương trên ban thờ thường ứng với các số lẻ. Bát hương tối kỵ dùng màu vàng thờ gia tiên vì màu vàng là màu hoàng đế chỉ dành thờ quân, thần hoặc các vị thời trước có tước vị trong hoàng tộc. Trong bát hương nên dùng tro sạch đốt từ rơm rạ thơm phủ đầy lòng bát hương.
Quan trọng nhất trong bát hương là cốt bát hương. Cốt bát hương có 7 thứ báu (Thất bảo: thiếc vàng, thiếc bạc, thạch anh, ngọc , mã lão , xà cừ (ngọc trai) , san hô đỏ),… tối thiểu phải có 3 thứ: vàng, bạc, ngọc được bọc bởi 1 tờ giấy tráng kim dùng bút đỏ đã được làm phép chú bút, chú giấy, chú mực ghi một số chữ (do thầy ghi, chữ thiên do các vị Thánh ngự ghế viết). Trong bát hương còn có tiền âm (Ngũ Lộ Thần tài), tiền dương màu đỏ mệnh giá mang số 5 (sinh) được gấp thành các chiếc thuyền nhỏ xếp xung quanh khối cốt thất bảo.
Tiếp đến là thần chủ (cũng gọi là bài vị).
Bài vị là một cái thẻ làm bằng gỗ hay bằng giấy (thường là làm bằng gỗ như gỗ táo, gỗ bạch đàn, gỗ mít, trong đó, ngày nay, gỗ mít được dùng phổ biến hơn cả) dùng để đề tên người đã khuất tương đồng như di ảnh. Đối với các chủ nhà là trưởng họ, trưởng chi thì thần chủ của họ và của chi không bao giờ thay đổi. Còn thần chủ của gia từ có sự thay đổi theo phong tục “Ngũ đại mai thần chủ”, nghĩa là trên bàn thờ bao giờ cũng chỉ có bốn bài vị ghi bốn thần chủ theo thứ bậc là cao, tằng, tổ, khảo tức kị, cụ, ông, cha; cứ đến đời sau thì ông tứ đại thành ông ngũ đại nên đốt thần chủ ông ngũ đại đi (hoặc thiên di vào nhà thờ họ tộc để thờ chung) rồi nhắc lần lượt lên.
Tại các nhà thờ tư gia hay các bàn thờ mỗi gia đình ít khi có thờ thần chủ, chỉ những nhà có quan tước khoa bảng, nề nếp hay những nhà hào trưởng giàu có mới thờ thần chủ. Vì theo đúng cổ lễ thì thờ thần chủ phải theo lễ nghi phiền phức: phải làm nhà trạm bên cạnh huyệt, mời quan đến đấy đề chủ trước khi hạ huyệt chôn cất. Tục lệ chuộng việc mời quan to, nhất là có chân khoa bảng, đến đề chủ và một vị quan kém phẩm trật đến phủng chủ, nghĩa là bưng thần chủ đặt lên linh xa. Phải tổ chức đám rước quan cho nghi vệ, xếp đặt nơi hành lễ có quy củ, tiếp đãi quan khách trọng thể, sau khi đã tiễn đưa quan về còn phải đem lễ vật và tiền tạ ơn.
Xem thêm : Làm Sổ hồng chung cư: Thủ tục thế nào? Phí bao nhiêu?
Ban thờ gia tiên ở nhiều gia đình có thể có cỗ kỷ để trong cùng.
Kỷ là cái ghế ngồi, tượng trưng cho sự hiển hiện, ngự giám của người đã khuất, chiếc kỷ nhỏ, cao độ 3 phân, dài 50 phân, rộng 25 phân. Đặt ba chiếc đài có nắp và trên nắp có núm cầm lên trên chiếc kỷ nhỏ này. Khi mở nắp đài ra nắp kê xuống dưới, đài đặt lên trên. Đài làm bằng gỗ được tiện rỗng dưới để khi đặt lên trên nắp đài, đài sẽ ăn khớp với nắp. Ba đài này dùng đựng chén rượu nhỏ lúc cúng giỗ, còn ngày thường đài được đậy nắp để tránh bụi bặm. Kỷ và khám nhà thường dân cũng như các đồ thờ cúng khác không được chạm vẽ rồng hay tứ linh mà chỉ chạm vẽ hình tượng biến hóa con vật ấy.
Bàn thờ kê kỷ và bày cỗ cúng cũng không được sơn son mà chỉ sơn then hay cánh gián thếp chỉ bạc, trừ hương án cao ở mặt tiền được sơn son thếp bạc thếp vàng.
Những gia đình giàu sang thì đồ thờ bày rộng hết cả gian giữa: trong cùng là bàn cao chừng một thước 20 phân trên để khám gian không thờ bài vị thì trong khám để một cỗ ỷ trên bệ khám phía ngoài cánh cửa khám để hộp đựng bằng sắc của tiền nhân.
Phía trước kê một sập tôn cao chừng 75 phân (cao hơn sập ngồi thường), trên mặt sập phía trong để một khay đài, phía trước để hai mâm xà mặt 80 x 60 phân, một mâm để bày cỗ (đồ mặn), một mâm để xôi chè (đồ ngọt).
Trên mặt sập hai góc ngoài để hai bình sứ cao 60, 70 phân, cắm hoa. Bên ngoài cùng là chiếc hương án cao gần ngang vai, ngắn hơn sập, đứng ngoài trông thấy đủ rõ cả hai bình sứ.
Trên giữa hương án là bát hương công đồng, phía sau là chiếc mâm bồng để bày ngũ quả hoặc chiếc tam sơn để nước và hoa.
Hai bên bát hương là hai chiếc đài lớn để cơi trầu và nậm rượu. Phía ngoài đằng trước để bộ đồ tam sự hay ngũ sự, hay thất sự. Bộ tam sự gồm 3 vật là 01 lư hương và 02 cây đèn (2 chân nến); Bộ ngũ sự (5 món) gồm 01 lư hương và 02 cây đèn, đôi hạc; Bộ thất sự (7 món) gồm 01 lư hương và 02 cây đèn, đôi hạc, 02 bình hoa; Bộ cửu sự (9 món) gồm 01 lư hương và 02 cây đèn, đôi hạc, 02 bình hoa, 02 ống cắm hương.
Tùy theo kinh tế của gia chủ mà có những vật thờ khác nhau nhưng nhất thiết trên ban thờ phải đảm bảo 05 yếu tố: Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ. Bàn thờ, ngai hoặc giá nến, bài vị tượng trưng cho Mộc. Rượu, chén nước thờ tượng trưng cho Thủy. Đèn (nến) thờ và là hương khi thắp lên tượng trưng cho Hỏa. Còn bát hương làm từ đất sét nung lên, hay sành sứ có nghĩa là Thổ.
Kích thước bàn thờ
Xem thêm : Căn hộ Phú Hoàng Anh
Bàn thờ không phải thích đặt kích thước bao nhiêu thì đặt mà phải tùy vào gia chủ định chọn chữ gì để đặt cho bàn thờ nhà mình, nhưng phải theo sách xưa là kích thước mặt bàn thờ và vị trí đáy bàn thờ xuống đến đất phải theo kích thước Lỗ Ban. Trên thước Lỗ Ban có các kích thước rộng hẹp khác nhau tương ứng với những cung chữ trên đó như: Linh, sinh khí, phúc, an ấm hay họa hại, ngũ quỷ, lục sát…tất nhiên phải chọn cung cát như. Phúc lộc, gia đinh, tài vượng, sinh khí, thiên y thì con cháu sẽ hưởng.
Về vị trí đặt bàn thờ
Với người Việt, trong mỗi khuôn viên bao giờ cũng có một ngôi nhà chính dùng vào việc quan trọng nhất là thờ phụng, chính phía trong của gian giữa bao giờ cũng được dành làm nơi thờ. Đây là trung tâm của nội thất, chỗ trang trọng nhất, các sinh hoạt khác có diễn ra ở gian bên cũng đều hướng về đấy. Bàn thờ gia tiên của người Việt cũng đa phần hướng Nam, hàm ý con cháu tôn vinh Tổ tiên là những bậc hiền tài theo tinh thần “Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ” (Bậc thánh nhân ngồi ngoảnh mặt hướng Nam mà nghe thiên hạ tâu bày), và theo đạo Phật thì hướng nam là nơi của Bát Nhã, tức là trí tuệ, hướng của sự sáng tạo, của sinh lực tràn trề, đầy dương khí. Tuy nhiên, cũng có quan điểm đặt bàn thờ hướng Tây vì cho rằng hướng này hợp với sự đối đãi của âm dương, nên yên ổn và phát triển, nghĩa là vị thần được an tọa. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, cũng tùy theo vị trí ngôi nhà, tuổi gia chủ mà ta có thể đặt bàn thờ theo những cách khác nhau và hướng khác nhau nhưng có nguyên tắc chung là “Tả cầu tài – hữu bản mạnh”, tức là đặt bên trái để cầu tài và bên phải thờ bản mạnh, hiểu rộng ra là đối với các tín chủ thờ đức thần tài thì nên đặt ban thời bên trái tính theo hướng của ngôi nhà chứ không phải tính từ cửa đi vào. Cũng từ quan điểm này thì bàn thờ gia tiên không nhất thiết phải quay theo hướng nhà mà gia chủ có thể tự đặt hoặc nhờ thầy phong thủy đặt, nhưng phải nhất nhất theo nhưng nguyên tắc chung:
Thứ nhất, Không được lộ thiên, tức là phía trên, phía sau bàn thờ có cửa sổ hoặc cửa chính đi hoặc trên nóc bàn thờ có ống thông gió.
Thứ nữa, bàn thờ tối kị để các vật nặng như đầu dư nhà hay các vật sắc nhọn như: góc tủ, góc cánh cửa chọc thẳng vào mặt bàn thờ hoặc đầu hồi của nhà hàng xóm chĩa vào.
Phải tránh những nơi bẩn tạp như nhà tắm, nhà vệ sinh, hay giường ngủ của vợ chồng. Nếu tầng dưới đặt bàn thờ thì tầng trên cũng không được đặt bếp hoặc phòng ngủ, nhà tắm nhà vệ sinh.
Về chất liệu gỗ làm bàn thờ
Bàn thờ đựơc sử dụng chủ yếu là gỗ Mít, Vàng Tâm, Thị, hay Dổi, nhiều nhất vẫn là gỗ Mít, Vàng tâm, dổi. Vàng tâm thì đựơc màu vàng đẹp, mùi hương nhẹ. Còn dổi thì nhẹ nên dễ vận chuyển, dễ treo.
Cùng với vàng tâm, mít có màu vàng, là màu của nhà Phật, nên được các nhà Phật dung tạc tượng, cũng như nhà phong thuỷ dùng cho những đồ vật linh thiêng, trang nghiêm như bàn thờ. Tiếng Phạn Balamật, viết giản ước chữ Mật đọc là Mít. Cây mít vốn có nguồn gốc từ Ấn Độ, theo các nhà sư trong quá trình truyền giáo, hay việc có thể dùng toàn phần cây mít như hạt làm tinh bột, múi chín thay đường, quả non thay rau ăn chay được, than dùng làm mõ ống vì ít nứt, tiếng vang ấm. Mặt khác, gỗ mít nhiều, dễ tìm kiếm, dễ chạm khắc, lại ít bị cong vênh trong khi độ bền có thể đên trên dưới 200 năm. Gỗ mít lại có màu vàng sang, khi để lâu có màu sẫm đỏ, gỗ có mùi thơm nhẹ, gỗ nhẹ lại mềm dẻo, có tính chất cơ lí khá ổn định, không mối mọt, ít cong vênh mà mặt gỗ lại mịn. Do vậy, đây là loại gỗ phổ biến được dùng để chế tác bàn thờ.
Bàn thờ gia tiên một bộ phận trong không gian gia đình, nó tham gia vào nội thất với tính chất trang nghiêm, tôn kính và thẩm mỹ. Mỗi gia đình tuỳ không gian cho phép, tuỳ tương quan với tiện nghi sinh hoạt khác có thể làm những bàn thờ thích hợp và đồ tế khí phù hợp, làm sao cái đẹp ở đây phải đảm bảo văn hóa cả chiều sâu tâm linh và mặt bằng mỹ thuật.Bàn thờ ấy luôn gợi lên một chiều sâu tâm linh “cây có gốc, nước có nguồn” vừa nhân bản vừa vun đắp truyền thống, đồng thời là niềm tự hào của gia chủ về tổ tiên và về cách dạy con cháu.
Nguồn: https://sigma.edu.vn
Danh mục: Bất động sản