Tại hội nghị, lãnh đạo các doanh nghiệp đều gửi lời cảm ơn Chính phủ, Thủ tướng đã ban hành nghị quyết 33 và thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản.
Bạn đang xem: Novaland, Hưng Thịnh kiến nghị gì khi họp với Thủ tướng về gỡ khó bất động sản?
Không hình sự hóa, bảo vệ quyền tài sản doanh nghiệp tư nhân
Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn địa ốc Nova (Novaland) Bùi Thành Nhơn nói nghị quyết 33 là nguồn “oxy quý báu”, giúp cộng đồng doanh nghiệp không rơi vào bất ổn. Đến nay, các dự án của Novaland đã có hướng giải quyết, đang được tập trung tháo gỡ.
Theo đó, ông Nhơn kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tháo gỡ triệt để các vướng mắc trong thời gian ngắn, thông suốt từ trung ương đến địa phương. Đặc biệt, Chính phủ cần tăng cường xây dựng, bảo đảm pháp lý cho kinh tế tư nhân phát triển.
“Không hình sự hóa kinh tế trên cơ sở ban hành các văn bản pháp lý. Bảo vệ quyền tài sản của doanh nghiệp tư nhân và quyền lợi ích của doanh nhân theo quy định của pháp luật”, ông Nhơn nói.
Chủ tịch Novaland cũng mong có chính sách khuyến khích hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp trực tiếp làm hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội tại các dự án ở những vùng khó khăn, các doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao, đô thị xanh…
Ông Nguyễn Đình Trung – chủ tịch kiêm tổng giám đốc Hưng Thịnh Corp – thì chỉ ra đến nay quy trình thủ tục để có được giấy phép xây dựng chưa đảm bảo. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần có giải pháp hỗ trợ, doanh nghiệp được cấp phép xây dựng để đưa dự án vào triển khai.
Gỡ vướng quy trình thủ tục pháp lý
Thêm nữa, hiện tình trạng pháp lý nhiều dự án khó khăn nên những quy định về tiếp cận vốn sẽ khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay ngân hàng. Vì vậy, trong ngắn hạn ngân hàng cần điều chỉnh điều kiện cho vay linh hoạt theo từng giai đoạn, giúp luân chuyển dòng tiền, tạo thanh khoản…
Đối với việc triển khai chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội, ông Hưng đề xuất cần cho phép người mua nhà ở xã hội được chuyển nhượng bất động sản tự do. Sử dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất nhằm giúp đảm bảo nguồn thu ngân sách và hài hòa lợi ích các bên.
Trong khi đó, ông Lê Tự Minh – chủ tịch Công ty CP đầu tư IMG – thẳng thắn cho rằng bản chất của việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản mà Chính phủ đang quan tâm nằm ở ba vấn đề.
Trước hết là chống đầu cơ đất khi hiện nay, việc đầu cơ đất và lũng đoạn thị trường bất động sản đang ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam. Người dân mua đất chờ thời cơ tăng giá, khiến một bộ phận lực lượng sản xuất “nằm ngủ” không phát huy tác dụng, rất phí phạm.
Từ kinh nghiệm của các nước, dùng thuế để điều chỉnh sự đầu cơ, ông Minh kiến nghị áp dụng mức thuế 2% thuế đất hằng năm và áp dụng thuế lũy tiến khi các khu đất không đưa vào kinh doanh, không sinh lời, giống như nước ngoài đang thực hiện.
Hai là vấn đề tăng lãi suất, theo ông Minh, đã đến lúc giảm lãi suất trung hạn xuống dưới 10%. Bởi với mức lãi suất trung hạn có thời điểm trên 12 – 14% sẽ “không có nền kinh tế nào khỏe mạnh”, trong khi các nước từ 3 – 5%. Dẫn tới doanh nghiệp không muốn vay, không dám vay và khách hàng mất niềm tin vào thị trường bất động sản.
Vì vậy, ông kiến nghị hạ lãi suất ở mức 8,5%; quy định biên độ 12 tháng dưới 3%. Có biện pháp để cấm hoặc hạn chế doanh nghiệp bất động sản tham gia ngân hàng hoặc đầu tư cả hai lĩnh vực để tránh tình trạng “tạo nên những tài phiệt lũng đoạn nền kinh tế”.
Cuối cùng, ông Minh nhấn mạnh việc cần phải tháo gỡ vướng mắc pháp lý và xử lý hành chính, do đây là khó khăn lớn nhất. Thực tế, pháp lý có sự chồng chéo, cùng vấn đề có nhiều cách hiểu nên không dám làm, chủ yếu là cấp địa phương.
“Lệ làng” ở nhiều nơi rất to, không làm cũng không sao và các doanh nghiệp rất cơ cực. Chúng tôi không làm thì bị phạt. Nhưng cán bộ nhà nước có chậm hoặc không làm cũng không sao. Chúng ta hiểu rõ, thất thoát do chậm trễ tiến độ lớn hơn thất thoát do tham ô” – ông Minh kiến nghị cần nhanh chóng hoàn thiện pháp lý để cán bộ yên tâm làm việc.
Nguồn: https://sigma.edu.vn
Danh mục: Bất động sản