Cách tăng từ vựng tiếng Anh nhanh chóng và nhớ từ vựng thật lâu
Khi bạn mới học tiếng Anh, có hai thứ mà bạn cần bắt đầu học trước, gọi là hai thứ nền tảng.
Bạn đang xem: CÁCH TĂNG TỪ VỰNG TIẾNG ANH NHANH CHÓNG VÀ NHỚ TỪ VỰNG THẬT LÂU
Thứ Nền Tảng I là Phát Âm. Nếu bạn phát âm sai bét nhè, người ta sẽ không thể nào hiểu được bạn nói gì, hoặc vừa nghe vừa đoán xem nhỏ này đang nói cái gì mà đánh đố sự phân tích âm thanh của mình quá.
Vậy nên, hãy quan tâm đến phát âm của bạn, không chỉ để nói đúng mà còn để nghe đúng nữa. Bạn đọc bài này để biết cách học phát âm hiệu quả nè.
Thứ Nền Tảng II là Từ Vựng. Có nhiều từ vựng sẽ giúp bạn dễ dàng hiểu được ý người khác nói cũng như diễn đạt nội dung của mình một cách dễ dàng hơn: người ta nói cái “gate”, bạn sẽ không hiểu thành cái “door”; thay vì nói cái “long chair”, bạn sẽ nói cái “couch”.
Bạn không cần từ ngữ quá cao cấp hay học thuật, chỉ cần 3000 từ vựng cốt lõi là bạn có thể xài chán chê luôn rồi. Vậy nên giờ chúng ta hãy tiến vào lãnh hạt của ngôn từ và chinh phạt nhiều từ vựng nhất có thể.
Thế thì, học từ vựng như thế nào để cho nhanh nhớ và lâu quên? Các bạn hãy áp dụng những cách thức sau đây.
1. Lặp lại, lặp lại, lặp lại
Bạn gặp một từ mới, tra nghĩa nó, ồ cool quá, đi ngủ, sáng hôm sau quên mất tiêu. Điều này rất dễ hiểu. Cái gì bạn không lặp lại đủ nhiều thì bạn sẽ không nhớ sâu. Không nhớ sâu thì nước lũ cuốn phù sa đi một sớm một chiều.
Để đưa một từ vào bộ nhớ dài hạn, bạn cần lặp lại nó hàng chục lần. Để khắc ghi nó vào tiềm thức và sử dụng được, bạn cần lặp lại hàng trăm lần. Cái gì bạn nhìn, nghe, sử dụng nhiều, não bạn sẽ nhận diện là thứ quan trọng và lưu trữ một cách cẩn thận.
Hồi xưa mỗi lần nhắn tin với crush, mình lại lẩm bẩm số điện thoại của crush, sau vài tuần là thuộc lòng luôn. Cơ mà giờ thì quên rồi. Hết crush, hết lặp lại, hết quan trọng.
Lại nói chuyện học từ vựng. Để lặp mỗi từ nhiều lần như vậy mà cứ cầm danh sách đọc cả ngày thì chán chết. Chiến thuật là dàn trải ra. Mỗi ngày lặp lại vài lần.
Theo thời gian, liên kết từ vựng trong não sẽ dần dần được củng cố. Cách này vừa dễ chịu lại vừa hiệu quả.
Bạn lặp 100 lần trong 1 ngày sẽ không hiệu quả bằng lặp 5 lần trong 20 ngày.
Cách này sẽ cho bạn nhiều thời gian để thẩm thấu hơn. Và bạn cũng đỡ cảm thấy trí năng của mình bị cưỡng bức.
2. Sử dụng sticky notes
Sticky notes là giấy ghi chú dán tường. Chắc ai cũng đã một lần trong đời sử dụng sticky notes.
Còn nếu chưa và không biết hình dạng nó thế nào, ăn được hay không, thì bạn hãy search Google và vào phần tìm kiếm hình ảnh. Đấy. Sticky notes trông như vậy. Dễ thương phải hem?
Vậy áp dụng sticky notes vào công cuộc học tiếng Anh của bạn như thế nào?
Như mình có viết trong một bài khác, hãy dán nó lên khắp nơi trong nhà bạn. Chỗ nào dán được là dán hết. Món đồ nào dán được là dán lên hết.
Dán lên tường ghi là “wall”, dán lên giường ghi là “bed”, dán lên máy tính để bàn ghi là “computer”, dán lên máy tính cầm tay ghi là “calculator”, dán lên máy tính để đùi ghi là “laptop”, dán lên mũ ghi là “hat”, dán lên quần ghi là “pants”.
Như vậy, bạn sẽ đắm chìm trong tiếng Anh theo nghĩa đen luôn.
Cách này sẽ tăng cường mức độ lặp lại từ vựng của bạn rất nhiều, bởi đi đâu cũng thấy tiếng Anh. Những bạn đã giỏi tiếng Anh rồi có thể sẽ thấy hơi thừa nhưng đối với những bạn cấp độ thấp, phương pháp này rất hữu ích.
Thêm một gợi ý nhỏ để tối ưu hóa lợi ích của việc dán sticky notes. Sau khi dán một từ bất kì, hãy tra phát âm của từ đó và đọc theo 10 lần. Sau này, mỗi lần bạn cảm thấy như mình không còn nhớ phát âm của một từ bạn bắt gặp trên sticky notes, hãy tra lại và đọc theo 10 lần nữa. Như đã nói ở đầu bài, phát âm rất quan trọng.
3. Mang theo sổ tay học Tiếng Anh
Xem thêm : Tổng hợp từ vựng lớp 10 (Vocabulary) – Tất cả các Unit SGK Tiếng Anh 10
Hãy sắm cho mình một cuốn sổ tay học tiếng Anh. Kích thước của nó nên phù hợp để bạn luôn mang theo bên người. Nếu bạn dùng túi xách thì nó nên be bé xinh xinh.
Nếu bạn đeo ba lô thì dùng luôn cuốn vở cho tiện. Mỗi lần bạn cần sử dụng một từ nhưng không biết từ đó trong tiếng Anh, hãy ghi vào sổ tay. Hoặc bạn có thể ghi trong điện thoại rồi sau đó chép lại vào sổ tay cũng được.
Cứ mỗi ngày như thế, các tình huống hằng ngày sẽ cộng hưởng với trí tò mò của bạn mà sản sinh ra vài từ mới. Điểm hay là những từ này sẽ rất thực tế và hữu ích với cuộc sống của bạn (vì chính bạn cần đến nó mới ghi nó ra mà).
Đến tận bây giờ mình vẫn áp dụng một biến thể của phương pháp này.
Cứ đang làm việc mà nghĩ ra một từ nào chưa biết trong tiếng Anh thì tra từ điển nó liền.
Còn nếu không sẵn có từ điển thì mình sẽ viết lại vào điện thoại để tra sau.
4. Ôn lại những từ bạn đã học
Bạn cần phải lặp lại từ vựng thật nhiều để nhớ lâu. Nếu sau một thời gian dài không dùng, tự nhiên những từ bạn từng biết sẽ dần trôi vào dĩ vãng.
Kể cả sau khi bạn chắc chắn là mình đã thuộc một từ rồi, vẫn hãy xem lại nó mỗi tuần hoặc mỗi tháng.
Những tài liệu bạn đã học qua, cũng hãy đôi khi lấy ra xem lại. Bạn sẽ bất ngờ với những thứ bạn phát hiện lần nữa.
Thỉnh thoảng lặp lại một lần không tốn quá nhiều thời gian nhưng sẽ đem lại giá trị rất lớn. Và đây chính là lúc cuốn sổ tay học tiếng Anh phát huy tác dụng.
5. Đặt câu với từ mới
Như các bạn có thể thấy, mặc dù từ là bộ phận cấu thành nên câu, nhưng không ai khi giao tiếp mà chỉ nói những từ riêng lẻ. Họ nói theo từng cụm, theo từng câu.
Để có thể nói chuyện dễ dàng, bạn nên thuộc lòng những câu phổ biến và thông dụng.
Khi bạn ghi xuống một từ mới, hãy ghi luôn một hoặc một vài câu có sử dụng từ đó. Khi bạn viết từ trên sticky notes, hãy viết luôn việc mà bạn sẽ làm với món đồ bạn dán sticky notes lên. Nên ghinhững câu mà chính bạn sẽ dùng.
Dĩ nhiên, để đặt được câu thì bạn cần có kiến thức ngữ pháp cơ bản. Vậy nên, bạn phải đọc tài liệu tiếng Anh thật nhiều trước khi viết.
Hoặc, bạn hãy kiếm ai đó hướng dẫn bạn trong giai đoạn đầu tiên. Nếu như bạn cần một giáo viên tận tâm săn sóc, đừng ngại đến với Simple English nhé!
6. Sử dụng từ điển Anh-Anh
Khi bạn tra một từ bất kì, bạn sẽ học thêm được những từ liên quan đến từ ấy. Bạn cũng sẽ học được cách thức miêu tả từ ấy bằng tiếng Anh.
Vì trong quá trình học, bạn sẽ tra từ điển rất thường xuyên nên lượng từ vựng bạn thu nạp được sẽ tích lũy ngày càng nhiều theo thời gian.
Với những bạn ở cấp độ cơ bản, hãy dùng xen kẽ từ điển Anh-Việt và Anh-Anh.
Còn những bạn đã giỏi tiếng Anh rồi, bạn có thể chuyển sang sử dụng từ điển Anh-Anh hoàn toàn.
7. Đọc thật nhiều
Đọc tài liệu tiếng Anh là một trong những cách học từ vựng tốt nhất.
Khi bạn đọc, bạn không chỉ học từ vựng riêng lẻ mà bạn học trong ngữ cảnh cụ thể. Điều đó giúp bạn vừa nhớ thật lâu, vừa biết cách sử dụng từ mới.
Việc đọc nhiều còn âm thầm cải thiện ngữ pháp của bạn nữa.
Bộ sách mà Simple English đang áp dụng rất hiệu quả là Oxford Bookworms Library.
Xem thêm : Mở rộng từ vựng TOEIC với sách 3500 từ vựng TOEIC PDF
Đây là thể loại sách Graded Readers (tạm dịch là sách phân cấp). Hệ thống sách được chia làm 6 cấp độ từ dễ đến khó.
Ở cấp độ dễ nhất, sách sẽ được viết chỉ trong 400 từ vựng. 400 từ này sẽ lặp đi lặp lại xuyên suốt cuốn sách, giúp người đọc học được từ mới một cách dễ dàng, và đồng thời dễ theo dõi cốt truyện.
Ở các cấp độ tiếp theo, số lượng từ vựng dùng để viết mỗi cuốn tăng lên thành 700, 1000, và cứ thế. Sách còn có cả audio. Vừa nghe vừa đọc, bạn sẽ học được từ mới và đồng thời biết phát âm nó như thế nào.
Nội dung các cuốn sách Oxford Bookworms rất thú vị và lôi cuốn. Mặc dù đối với bản thân mình bây giờ, những quyển sách này rất dễ, nhưng mình vẫn đọc thường xuyên. Không phải vì tiếng Anh, mà vì có nhiều câu chuyện rất hay.
Mình đã khóc khi đọc The Elephant Man và A Christmas Carol. Mình cũng đã cười ngặt nghẽo khi đọc thấy độ sến của Romeo and Juliet.
8. Sử dụng cơ thể trong khi họ
Cái này giới chuyên môn gọi là TPR – Total Physical Response.
Các bạn chỉ cần nhớ thế này: liên kết về từ vựng trong não bạn sẽ mạnh hơn khi bạn học bằng nhiều giác quan. Khi bạn bắt gặp một từ mới, hãy tương tượng trong não bạn hình ảnh về từ đó.
Tiếp đến, hãy nghe và lặp lại phát âm của từ này. Cuối cùng, bạn gán cho từ này một hành động mà bạn có thể thực hiện được.
Chẳng hạn, khi học từ “wave”, bạn hãy tưởng tượng ra một cánh tay đang vẫy (chứ không phải chiếc xe Wave). Sau đó, bạn vừa đọc “wave” vừa tự lấy tay mình ra vẫy vẫy luôn. Chèn cảm xúc và tình huống vào được nữa thì càng tốt.
Tưởng tưởng như bạn đang vẫy tay chào đón người yêu hiện tại hay tạm biệt người yêu cũ. Cách này sẽ vừa giúp bạn nhớ từ một cách sâu đậm, vừa cảm thấy dồi dào năng lượng khi học.
9. Tiếp xúc với tiếng Anh mỗi ngày
Nếu bạn theo dõi Simple English đã lâu thì chắc bạn đã nhận thấy một lời khuyên trường tồn của SE: hãy tiếp xúc với tiếng Anh càng nhiều càng tốt.
Bởi vì giỏi tiếng Anh hay không phụ thuộc vào điều này.
Sẽ có những phương pháp giúp bạn học hiệu quả hơn những phương pháp khác.
Sẽ có những mẹo giúp bạn cải thiện khía cạnh này khía cạnh kia.
Tuy nhiên, dù bạn có áp dụng mẹo gì, dù bạn có đi theo phương pháp nào, đầu tư thật nhiều thời gian cho tiếng Anh vẫn là yếu tố bắt buộc. Bí kíp thật sự chỉ đơn giản như vậy thôi: đầu tư thời gian.
Ông sếp mình vẫn thường xuyên nói: bệnh gì cũng chữa được, ngoại trừ bệnh lười.
Nếu bạn muốn giỏi tiếng Anh, trước hết là phải siêng. Siêng đọc sách tiếng Anh mỗi ngày. Siêng nghe tài liệu tiếng Anh mỗi ngày. Siêng xem phim tiếng Anh mỗi ngày. Siêng luyện nói tiếng Anh mỗi ngày.
Cứ mỗi ngày dành một hoặc hai giờ cho tiếng Anh.
Sau một năm, bạn sẽ thấy một sự tiến bộ khổng lồ. Vậy nên, hãy thôi chần chừ nữa!
Hãy lao vào học tiếng Anh nào!
Hãy say trong tiếng Anh nào!
Một, hai, ba, zô! Hai, ba, zô!
Thầy Đạt
Nguồn: https://sigma.edu.vn
Danh mục: Học Tiếng Anh